Sau thời gian dài chờ đợi, Quy hoạch Điện 8 đã chính thức được phê duyệt. Các doanh nghiệp cho biết hiện đang tất bật chạy đua để tái khởi động các kế hoạch kinh doanh, đầu tư bám theo Quy hoạch vừa được duyệt.
Sau hơn 2 năm trì hoãn, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) cuối cùng cũng đã chính thức được phê duyệt. Mở ra cánh cửa pháp lý để huy động nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư phát triển vào ngành năng lượng Việt Nam.
Về cơ bản, Quy hoạch điện 7 và 8 đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021-30. Tuy nhiên, tỉ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể.
Trong đó, Quy hoạch điện 8 đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết trong 2022.
Theo Quy hoạch điện 8, điện khí sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2030. Theo ước tính của VNDirect, mức tăng trưởng kép của điện khí sẽ đạt khoảng 26%, cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 25% tổng công suất nguồn điện. Giai đoạn 2030-2050, tăng trưởng kép điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sẽ đóng góp tỷ trọng trong cơ cấu công suất là 50,3% vào năm 2030. Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn NLTT (gồm cả thủy điện) lên tới gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện, thể hiện tỷ trọng nguồn điện được duy trì và phát triển nguồn này rất cao.
Đặc biệt, điện gió sẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong cả ngắn và dài hạn với nỗ lực huy động được những nguồn vốn xanh, rẻ. Theo ước tính của Công ty chứng khoán VNDirect, điện gió sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021-2030 và 6% trong 2030-2050, chiếm lần lượt 13% và 14% tổng công suất nguồn trong 2 giai đoạn này.
Tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 114 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, phân bổ chủ yếu cho điện gió (35%), điện khí (30%) và nhiệt điện than khoảng 15%. Giai đoạn 2030-2050, tổng nhu cầu vốn dự kiến sẽ tăng mạnh lên khoảng 495 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho điện gió chiếm phần lớn (63%) và sau đó là điện mặt trời (18%). Mặt khác, nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-2030 và 7% trong 2031-2050.
Với quy mô đầu tư lớn, Quy hoạch điện 8 được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất, truyền tải điện cũng như nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia năng lượng, Quy hoạch điện 8 được phê duyệt sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ đô vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam.
Giai đoạn sắp tới cũng được dự báo sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí. Một số doanh nghiệp và những dự án triển vọng về điện khí nói chung và điện khí LNG nói riêng đã được phê duyệt bao gồm Nhơn Trạch 3&4 (PV Power), LNG Long Sơn (EVNGENCO3, PECC2), Ô Môn 3,4 (EVNGENCO2). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp khí như PV GAS cũng đã có những bước chuẩn bị để đón đầu xu thế này khi thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG.
Tổng Công ty Khí Việt Nam sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước như Nhiệt điện Ô Môn I, II, III và IV; Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp (TBKHH) Dung Quất I, II, III; TBKHH Miền Trung I, II và TBKHH Quảng Trị cũng được đánh giá là hưởng lợi từ QHĐ VIII.
Ông Phạm Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc PV GAS cho biết Quy hoạch điện 8 mang lại cơ hội cho PV GAS phát triển mảng khí LNG trong thời gian tới. Dự kiến kinh doanh khí LNG sẽ đóng góp khoảng 30% doanh thu cho PV GAS trong tương lai.
Hiện dự án Kho LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn cùng các dự án thành phần đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản. PV GAS dự kiến sẽ cho chạy thử vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 sẽ tiếp nhận một tàu khí LNG. Phương án nâng công suất kho này lên 3 triệu tấn đang được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, PV Gas cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Kho LNG với Công ty EAS của Mỹ trong chuỗi dự án tại Sơn Mỹ, tình Bình Thuận. Giai đoạn đầu công suất kho là 3 triệu tấn; giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 6 triệu tấn và kế tiếp có thể nâng lên 10 triệu tấn.
Trong khi đó, tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW), doanh nghiệp cho biết đang gấp rút triển khai hai dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 có tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Tổng giám đốc Lê Như Linh cho biết mới đây đã thực hiện đàm phán với các đối tác và cơ bản thu xếp đủ vốn cho hai dự án trên. Dự kiến Nhơn Trạch 3 đi vào vận hành vào tháng 11/2024, Nhơn Trạch 4 đi vào vận hành vào tháng 5/2025.
Đồng thời, PV Power sẽ triển khai công tác đầu tư dự án NMĐ tua bin khí hỗn hợp Quảng Ninh; chuẩn bị đầu tư dự án NMĐ khí Cà Mau 3, kho cảng LNG sau khi được cấp thẩm quyền bổ sung Quy hoạch điện và Quy hoạch phát triển Công nghiệp Khí Việt Nam.
Dự kiến tổng giá trị vốn đầu tư từ nay đến 2030 khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó dành cho Nhơn Trạch 3&4 khoảng 6.500 tỷ đồng, cho Quảng Ninh 2.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 – 2027, số còn lại dành để đầu tư văn phòng mới, năng lượng tái tạo…
Năm ngoái, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) đã bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính để đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng dựa vào lợi thế về cơ sở vật chất cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ.
Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh, PTS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, PTSC đã bắt đầu tham gia sâu hơn vào lĩnh vực EPC điện gió với gói thầu 2 trạm biến áp ngoài khơi của dự án Hải Long (giá trị 50 triệu USD) hay gần nhất là gói thầu xây dựng 32 chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi của Orsted Taiwan Limited (giá trị 300 triệu USD).
Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra ngày 29/5, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết đây là các dự án rất tiềm năng mà PTSC quan tâm và dự kiến sẽ chuẩn bị, huy động tối đa các nguồn lực cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khả năng thắng thầu cao nhất. Do đó, PTSC đặt kế hoạch đầu tư trong năm nay là 1.800 tỷ đồng cho công ty mẹ, gấp 7 lần thực hiện năm ngoái.
Lãnh đạo PTSC đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi do vùng biển nước nông. Vì vậy chi phí sẽ cạnh tranh hơn trong việc lắp đặt chân đế so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Quy hoạch Điện VIII đã công bố rõ sẽ ủng hộ khuyến khích các dự án NLTT ngoài khơi (offshore), không hạn chế về công suất và ủng hộ việc xuất khẩu điện. Hiện tại PVS đang tham gia thực hiện các dự án cùng với nhà đầu tư ở Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và công ty đang nhắm tới khu vực châu Úc.
Tại đại hội, ban lãnh đạo cũng tiết lộ PTSC đang có thỏa thuận với nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và một số nhà đầu tư khác liên quan đến vốn đầu tư cho mảng diện gió ngoài khơi, thậm chí là PTSC có thể lấn sang các sản phẩm thứ cấp như hygro và đang hướng tới thị trường Australia.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết triển khai dự án này cần thời gian dài, sau khi xin các giấy phép, khảo sát kéo dài 1-2 năm, sau đó mới có được Capex (chi phí vốn đầu tư). PTSC đang nghiên cứu giai đoạn ban đầu, chưa đưa ra phương án cụ thể về tăng vốn. Do đó hiện tại năm 2023 công ty chưa có kế hoạch huy động nguồn vốn.
“Nhưng nhìn chung các dự án PTSC tham gia có quy mô vốn rất lớn, bắt đầu giai đoạn đầu tư sẽ phải thực hiện gọi vốn”, lãnh đạo PTSC cho hay.
Ngoài các doanh nghiệp trên, các đơn vị khác trong ngành cũng đang có những sự chuẩn bị để đón lấy cơ hội từ Quy hoạch điện 8.
Với Tập đoàn PC1, bên cạnh là nhà thầu EPC điện gió, PC1 sẽ tiếp tục mở rộng danh mục điện tái tạo theo chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp cho biết đang tiến hành khảo sát hơn 1.000 MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, nhằm bắt kịp xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Trong khi đó, với Cơ điện lạnh (Mã: REE) – doanh nghiệp sở hữu danh mục 18 công ty liên doanh liên kết (hầu hết là mảng thủy điện) cho biết vẫn sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào mảng thủy điện khi cho rằng ngành này vẫn rất tiềm năng và sẽ có lời.
Hiện công ty đang có kế hoạch kết hợp làm các dự án điện mặt trời tại các hồ thủy điện, như vậy sẽ vừa tăng được công suất mà không cần diện tích đất quá lớn. Công ty đang thuyết phục Chính phủ cho phép đầu tư. Đối với điện áp mái, REE sẽ tạm ngưng.
Ngoài ra, theo tiết lộ của Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh, REE cũng đang xem xét, nghiên cứu mảng hydrogen – giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng, giúp thay thế nhiệt điện than và khí.
Trong vai trò của doanh nghiệp tư vấn, xây dựng, ông Nguyễn Chơn Hùng, Chủ tịch HĐQT PECC2 (Mã: TV2) cho biết, kết quả kinh doanh 2022 không như kỳ vọng do Quy hoạch 8 chậm ban hành. Trong năm nay, PECC2 sẽ chú trọng đẩy mạnh việc tham gia thực hiện dự án và quản lý vận hành các công trình năng lượng mới như điện gió, mặt trời, điện sinh khối, thủy điện tích năng; nâng cao năng lực tư vấn thiết kế các công nghệ phát điện sạch, hiệu suất cao.
Trước đó, cuối năm 2022, PECC2 và Hyme Energy (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Hai bên sẽ cùng hợp tác nhằm phát triển và xây dựng các dự án lưu trữ năng lượng nhiên liệu tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu triển khai ít nhất 2GWh dung lượng lưu trữ trước năm 2030 và các mục tiêu xa hơn nữa trong tương lai.
Hồi tháng 3, PECC2 cũng đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế với Toyo Ventures Holdings Bhd – chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 có công suất thiết kế 2.120MW, tổng số vốn đăng ký đầu tư 72.000 tỉ đồng. Hiện dự án này đang trong giai đoạn giải phóng măt bằng.
Theo DNVN
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS http://zland.vn
Tải đầy đủ mặt bằng căn hộ, bảng giá, hợp đồng mẫu, chính sách bán hàng mới nhất từ CĐT.