Vị trí địa chính trị thuận lợi khiến thị trường logistics của Việt Nam luôn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp ngoại đang để mắt và thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm các công ty nội địa hay những cuộc sang tay giữa các đơn vị trong ngành.
Cuối tháng 5/2023, Gemadept (Mã: GMD) đã bán lại toàn bộ 84,66% vốn đang sở hữu tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ trị cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC).
Thương vụ này đã gây nhiều chú ý trong giới M&A, một mặt giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất 2,6 triệu TEUS (tăng 36% so với cùng kỳ) năm 2023, chiếm 30% thị phần. Mặt khác, Gemadept sẽ thu về khoản lợi nhuận đột biến 2.000 tỷ đồng, giúp cải thiện được tình hình tài chính trong bối cảnh khó khăn nhiều cạnh tranh của ngành.
Theo lãnh đạo Gemadept "Đây là một thương vụ đặc biệt với tinh thần win-win và phù hợp chiến lược dài hạn của cả hai bên".
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Gemadept chuyển nhượng công ty thành viên.
Hồi 2014, Gemadept đã bán 85% cổ phần tại Công ty TNHH Cao ốc Hàng Hải (đơn vị quản lý Gemadept Tower tại số 6 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) cho CJ Group với giá 45 triệu USD, tương đương 936 tỷ đồng thời điểm đó; ghi nhận lãi lên tới 617 tỷ đồng. Lúc đó, Gemadept đã thỏa thuận rằng CJ có quyền mua tiếp 15% cổ phần còn lại với giá tối thiểu bằng mức giá mua 85% cổ phần trước đó.
Tháng 10/2017, Gemadept tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 15% vốn góp còn lại tại Công ty TNHH CJ Việt Nam (công ty sở hữu Gemadept Tower nói trên) cho CJ O Shopping, ước tính thu về khoản lãi hơn 100 tỷ đồng. Giá trị thương vụ khoảng 240 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 10/2017, Gemadept lại tiếp tục thông báo chuyển nhượng xong 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics. Tổng giá trị giao dịch là 94 triệu USD.
Những thương vụ chục triệu USD
Trong năm 2023, ngoài những thương vụ xoay quanh Gemadept, tháng 5 vừa qua, PSA Cargo Solution Vietnam Investments Pte.Ltd - một doanh nghiệp ngành logistics có địa chỉ tại Singapore đã chi gần 1.300 tỷ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG, tương ứng 24,9% vốn điều lệ của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans).
Sotrans nằm trong top 3 ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ kho đa chức năng tại Việt Nam. Trong đó, kinh doanh kho hiện đang là thế mạnh của Sotrans với hệ thống kho hơn 230.000 m2, nằm tại trung tâm TP HCM, các khu vực lân cận và các khu công nghiệp tiếp giáp với sông Sài Gòn thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lẫn đường sông. Sotrans cũng đang nắm cổ phần tại các doanh nghiệp cảng lớn như CTCP Cảng Miền Nam, Cảng Đồng Nai, Vietranstimex, CTCP Đường sông miền Nam,…
Giai đoạn 2018 - 2019 cũng rất "nóng" với các cuộc mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp nội - ngoại.
Chẳng hạn, năm 2018, hai tập đoàn tài chính Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul đã mua hai trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 53 tỷ won (47,01 triệu USD). Hai tổ chức này đã mua lại các trung tâm hậu cần tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm Mirae Asset - Naver Asia với tỷ lệ 50:50. Trong tổng số tiền này, phía liên doanh tài trợ 30 tỷ won và phần còn lại sẽ do đơn vị đầu tư Shinhan Việt Nam nhận trách nhiệm thông qua tái cấp vốn và tiền gửi.
Năm 2019, Công ty Symphony International Holdings đầu tư 42,6 triệu USD mua cổ phần của CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần. Số cổ phần này trước đây được nắm giữ bởi Singapore Post từ năm 2011. Symphony là một công ty đầu tư niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán London. Công ty đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như chăm sóc sức khỏe, khách sạn, bất động sản chủ yếu tại khu vực châu Á.
Tại Dự thảo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Max: MVN) đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng xuống còn 51% gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), Cảng Cam Ranh (đang sở hữu gần 81% vốn), Cảng Quy Nhơn (tỷ lệ nắm giữ 75% vốn), Cảng Đà Nẵng (sở hữu 75% vốn) và Cảng Cái Lân (nắm 56% vốn). Riêng Cảng Hải Phòng, VIMC đề nghị giảm sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống 65%. Kế hoạch giảm sở hữu lớn của VIMC tại một loạt cảng sẽ khiến các hoạt động mua bán trong lĩnh vực này sôi động hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, một thương vụ cũng được chờ đợi từ lâu là kế hoạch chuyển nhượng 24% vốn tại cảng Gemalink đang thuộc sở hữu của Gemadept.
Gemalink là một trong những cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên đến 200.000 DWT. Bên cạnh đó, Gemalink được đánh giá có những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội để trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn cho thị trường Việt Nam và khu vực. Việc chuyển nhượng vốn thành công tại dự án này sẽ tạo ra lợi nhuận và dòng tiền cho Gemadept để tái đầu tư vào các dự án tiếp theo.
Bên cạnh đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Gemadept cho biết công ty cũng đang có ý định thoái vốn Cảng Nam Hải tại Hải Phòng do vị trí không còn phù hợp với chiến lược phát triển và để tập trung khai thác, vận hành tại cụm Cảng Nam Đình Vũ.
Việt Nam là khu vực sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng và hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…).
Theo công ty nghiên cứu Orbis Reserch, về bản chất, hầu hết doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam vẫn là các đơn vị vừa và nhỏ, cung cấp dịch vụ logistics giá trị gia tăng thấp.
Hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn giao nhận toàn cầu dưới nhiều hình thức kinh doanh tại thị trường logistics của Việt Nam. Trong số này, hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên thị trường quốc tế với 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa. Đồng thời có khoảng 30 đơn vị cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics...
Dữ liệu từ McKinsey & Company cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đóng góp tới 50% vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong thập kỷ tới, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới.
Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 39 về Chỉ số Hiệu suất hậu cần (2018), cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.
Còn theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá, Việt Nam là nước hưởng lợi từ khi các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2022 - 2023 của thị trường logistics Việt Nam dự báo đạt 5,5%/năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua việc chuyển nhượng quyền khai thác một số dự án, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư với các thương vụ ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Ông Lê Mạnh Cương, Chủ tịch CTCP Logistics và Khai thác Cảng Lokaport, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới đã và đang vào Việt Nam bằng nhiều cách như mua cổ phần của các công ty đã có sẵn, thậm chí là thâu tóm những đơn vị yếu của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, với nền công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự góp mặt của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vốn, nhân lực, công nghệ cho các tập đoàn trong nước.
Theo DN&KD
Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS http://zland.vn
Tải đầy đủ mặt bằng căn hộ, bảng giá, hợp đồng mẫu, chính sách bán hàng mới nhất từ CĐT.