Trang tin BĐS hàng đầu Bình Dương

1BN

KAIZEN

1BN2

Hé lộ liên minh các nhà thầu tại gói thầu gần 1,5 tỷ USD ở sân bay Long Thành: Trận chiến cân não giữa các ông lớn

29/06/2023 - 07:06

Loạt ông lớn trong ngành xây dựng đang cạnh tranh nhau gói thầu lớn nhất và quan trọng nhất của sân bay Long Thành. Với quy mô giá trị gói thầu, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp xây lắp được lựa chọn tham gia thi công sẽ đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2023 - 2026.

Chiều 27/6, tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT đã thông tin tới cổ đông về liên minh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ đồng cùng Hòa Bình với ba đại diện gồm CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), CTCP Xây dựng Central, CTCP Xây dựng An Phong. 

Từ trái qua: Ông Võ Hoàng Lâm - CEO Coteccons, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HBC, lãnh đạo HBC, ông Nguyễn Khắc Đồng - CEO An Phong (áo kẻ), ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons và ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Central. (Ảnh: Xây dựng Hoà Bình).

Nhóm liên danh với Hoà Bình đã tham dự gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng.

Dự kiến năm 2025, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 đã không còn khả thi. Bởi tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào kết quả đấu thầu gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây được đánh giá là một gói thầu rất quan trọng và quyết định tiến độ của dự án sân bay Long Thành.

Ngày 15/6, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho hay 3 nhóm nhà thầu tham dự gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước.

Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.

Hiện phía Xây dựng Hoà Bình chưa công bố chi tiết về liên danh này, song theo nguồn tin của chúng tôi Liên danh Hoa Lư  này bao gồm 8 doanh nghiệp là: Coteccons, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Tổng Công ty Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, Central, An Phong, Xây dựng Hoà Bình và Powerline Engineering Public Company Limited. Trong đó, Coteccons là thành viên đứng đầu liên danh và Liên danh Hoa Lư cũng là liên danh duy nhất trong nước dự thầu.

Liên danh thứ hai dự thầu là Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (Mã: CC1), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội. Trong đó, IC ISTAS thuộc Tập đoàn ICholding của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Liên danh thứ ba tham dự thầu là Liên danh CHEC-BCGE-Vietnam Contractors do China Harbour Engineering Company Limited của Trung Quốc đứng đầu và 8 thành viên còn lại gồm: Beijing Construction Engineering Group, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, CTCP Xây dựng CDC, Tổng Công ty 789, Công ty TNHH Nhà thép PEB, CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52, CTCP Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam.

Đây có thể nói là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm các nhóm nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng dân dụng đang nguội lạnh vì thị trường bất động sản gần như đóng băng.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tất cả các nhà thầu xây dưng tham gia vào ba liên danh đều là các tên tuổi lớn, có năng lực với đội ngũ lớn, chất lượng và có kinh nghiệm thi công đa dạng từ xây dựng dân dụng, cơ sở hạ tầng cho đến xây dựng công nghiệp.

Vậy cụ thể năng lực của các Liên danh ra sao?

Liên doanh Hoa Lư

Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu.Trong 8 doanh nghiệp của liên danh này có 4 công ty nằm trong Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2023 (theo xếp hạng của Vietnam Report) gồm: Coteccons (số 1), Xây dựng Hoà Bình (số 2), Delta (số 6), Unicons (số 7).

Coteccons là một doanh nghiệp xây dựng đứng đầu trong ngành. Sau giai đoạn lùm xùm dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đang đi vào quy đạo ổn định với những chiến lược phát triển mới.

Mảng hạ tầng, các dự án về sân bay, cao tốc và đường bộ sẽ là trọng tâm theo đuổi của Coteccons. Đây là ba trụ cột chính để hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD về doanh thu trong giai đoạn 2021 - 2025. Mới đây, Coteccons cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác toàn diện với 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, BIDV và MB bank để thu xếp nguồn vốn cho các dự án hạ tầng trong tương lai.

Dưới thời ông Nguyễn Bá Dương Coteccons từng nói không với vay nợ. Song kể từ khi ông Bolat Duisenov ngồi ghế Chủ tịch, Coteccons đã bắt đầu vay nợ để hiện thực hoá các chiến lược phát triển mới song công ty có tỷ lệ nợ vay thấp so với các đối thủ trong ngành.

Tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Coteccons chỉ ở mức 1,3 lần, thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 3,5 lần so trung bình ngành.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

   Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong liên danh này còn có một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Coteccons là Unicons do Coteccons sở hữu 100% vốn. Đến nay, mặc dù đang hoạt động chỉ với 94,5 tỷ đồng vốn điều lệ, Coteccons cho biết Unicons vẫn là một công ty xây dựng vững mạnh nhất trong hệ sinh thái của đơn vị này.

Unicons thành lập năm 2006. Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của Unicons là 5.018 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.592 tỷ. Doanh thu năm 2022 của Unicons là 5.773 tỷ.

Còn về Xây dựng Hoà Bình, dù đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất trong 35 năm hoạt động song đơn vị vẫn vững vàng ở vị thế số 2 trong ngành. Công ty cũng đang khởi động lộ trình tái cấu trúc , tập trung thu hồi công nợ đồng thời huy động vốn thông qua phát hành để giải quyết bài toán dòng tiền.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm.

Công ty nước ngoài duy nhất trong liên danh Hoa Lư là Powerline Engineering Public Company Limited của Thái Lan. 

Công ty Thái Lan này từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái. Công ty này có lĩnh vực kinh doanh chính gồm thi công hệ thống điện, điều hoà không khí, hệ thống ống nước, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy cho các toà nhà, bệnh viện, nhà máy công nghiệp, khu phức hợp mua sắm và sân bay. Doanh thu mảng cơ điện (M&E) của công ty này khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng/năm.

Phía chuyên gia phân tích của VDSC đánh giá cao các nhà thầu trong nước ở nhóm liên danh Hoa Lư với đội ngũ kỹ sư lớn, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước như Coteccons, Xây dựng Hoà Bình và Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc Phòng). Tuy nhiên các doanh nghiệp này chưa từng tham gia xây dựng dự án có quy mô và độ khó lớn như sân bay Long Thành.

Liên danh Vietur

Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ. Doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga,... Đáng chú ý, công ty này từng tham gia đấu thầu xây dựng các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari,...

Trong liên danh này có sự xuất hiện của ba doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons gồm Newtecons, Ricons và SOL E&C.

Sau khi rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã quay về phát triển hệ sinh thái do ông sáng lập, thậm chí nhiều dự án bất động sản lớn do Coteccons làm nhà thầu đã bị Newtecons hay Ricons thế chân.

Hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương cũng được đánh giá là "chú ngựa ô" trong ngành xây dựng. Năm 2022, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB, SOL E&C đã tạo nên doanh thu hơn 1 tỷ USD cho hệ sinh thái. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Trong Top 10 nhà thầu năm 2023, Ricons đứng ở vị trí thứ 3, tiếp đó là Vinaconex và Newtecons ở hạng số 5. 

VDSC cũng đánh giá cao Vinaconex trong Liên danh Vietur vì đây là doanh nghiệp đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, cầu,...

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm.

Liên danh của Trung Quốc

Liên danh này China Harbour Engineering Company Limited (CHEC) có trụ sở ở Bắc Kinh đứng đầu. Công ty này từng thi công nhiều dự án quy mô lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng,... tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được Chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi. 

Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc đã hỗ trợ vốn cho Sudan (châu Phi) xây dựng sân bay Khartoum qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) và CHEC đã nhận thầu trị giá 680 triệu USD để xây dự án này.

Ngoài ra, trong liên danh này còn có một doanh nghiệp nhà nước - Beijing Construction Engineering Group (BCEG). Đây là doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu tại Trung Quốc và đang hoạt động trên 27 quốc gia. Cũng giống như CHEC, BCGE có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều nước trên thế giới. Về năng lực, liên doanh số 1 đang có lợi thế về kinh nghiệm.

Với thông tin tổng quát về các nhà thầu hiện tại thì nhìn chung cả ba liên danh đều cho thấy những ưu, nhược điểm riêng và chưa có đủ cơ sở để đưa ra kết luận liệu nhóm nào sẽ chiếm ưu thế. Bởi ngoài tiêu chí về kinh nghiệm thi công, năng lực của doanh nghiệp (tài chính, đội ngũ kỹ sư,...) thì các tiêu chí như thời gian thi công, kỹ thuật thi công và giá thành xây dựng là những chỉ tiêu quan trọng cần phải xem xét về khả năng trúng thầu.

Đánh giá về triển vọng của gói thầu, Chứng khoán VNDirect nhận định với quy mô giá trị gói thầu, các doanh nghiệp xây lắp được lựa chọn tham gia thi công sẽ đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2023 - 2026.

Đơn vị phân tích này cũng lưu ý rằng gói thầu tại các dự án sân bay thường được chủ đầu tư đối ứng vốn trong thời điểm khởi công lớn hơn (khoảng 30-50%) hơn so với các dự án hạ tầng giao thông thông thường (10-20%), qua đó hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành.

Nếu tìm được liên danh trúng thầu, gói thầu quan trọng này sẽ chính thức khởi công trong tháng 8/2023, tạo tiền đề giúp sân bay Long Thành đẩy mạnh tiến độ thi công.

Theo DN&KD

 

Copyright © 2016 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web BĐS http://zland.vn

Nhận thông tin dự án

Tải đầy đủ mặt bằng căn hộ, bảng giá, hợp đồng mẫu, chính sách bán hàng mới nhất từ CĐT.

Họ tên *
Số điện thoại *
+
Hotline